Cách xử lý khi người mua hàng không lấy hóa đơn GTGT

 Khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên phải lập hóa đơn (kể cả khi người mua hàng không lấy hóa đơn).
 Nếu không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng thì doanh nghiệp sẽ bị phạt 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
Căn cứ Điểm b, Khoản 7, Điều 3 của Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về việc lập hóa đơn thì:
“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày. […]”
Như vậy, khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, người bán phải lập hóa đơn kể cả khi người mua không lấy hóa đơn.
Doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 38 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP và phải lập hóa đơn giao cho người mua.
Lưu ý: Trường hợp bán hàng hóa có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì người bán không phải lập hóa đơn nhưng phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC), trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Cách viết hóa đơn giá trị gia tăng khi khách hàng không lấy hóa đơn
Trong trường hợp này, người bán vẫn lập hóa đơn và trên hóa đơn ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Ví dụ:
Cách kê khai hóa đơn giá trị gia tăng khi người mua không lấy hóa đơn
Khi khách hàng không lấy hóa đơn giá trị gia tăng thì người bán vẫn kê khai thuế như một hóa đơn bán ra bình thường và viết hóa đơn như hướng dẫn trên. Hóa đơn liên 2 không giao cho khách hàng mà vẫn được lưu tại cuốn.
Lưu ý: Nếu trên hóa đơn không ghi “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế” thì phải giao hóa đơn cho khách hàng. Trường hợp lập hóa đơn nhưng không giao cho khách hàng sẽ bị phạt 4.000.000 – 8.000.000 triệu đồng theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 38 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 109/2013/NĐ-CP;
– Thông tư 26/2015/TT-BTC;
– Thông tư 39/2014/TT-BTC.