Cho tôi hỏi năm 2023, trường hợp nào được phép đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm? Hậu quả pháp lý của hành vi này là gì?
1. Các hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm năm 2023
Căn cứ Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023), doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
(1) Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
(2) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
(3) Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
(4) Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm năm 2023 (Ảnh minh họa)
2. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm
2.1. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo trường hợp (1)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí thì thực hiện như sau:
– Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm;
– Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
– Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý: Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
2.2. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo trường hợp (2) và trường hợp (3)
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm tại mục (2) hoặc người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm tại mục (3) nêu trên thì thực hiện như sau:
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý: Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm tại mục (2), đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
2.3. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo trường hợp (4)
Tại khoản 4 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm.
Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Nguồn : Thư Viện Pháp Luật