Trong năm 2023, nếu tôi mua bảo hiểm thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Có cần thực hiện nghĩa vụ gì hay không?
Từ ngày 01/01/2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 sẽ có hiệu lực thi hành. Do đó, người mua bảo hiểm trong năm 2023 sẽ có các quyền và nghĩa vụ được quy định theo Luật này, cụ thể như sau:
1. Quyền lợi khi mua bảo hiểm năm 2023
Theo Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định các quyền lợi của bên mua bảo hiểm bao gồm:
– Được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;
– Được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
– Được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
– Được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;
– Được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 22 và Điều 35 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
– Được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
– Được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật; và
– Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Các quyền và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm từ năm 2023 (Ảnh minh họa )
2. Nghĩa vụ của người mua bảo hiểm năm 2023
Năm 2023, người mua bảo hiểm sẽ có các quyền lợi được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm:
– Phải kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
– Phải đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;
– Phải đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc giảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất;
– Phải áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan; và
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Nếu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, người mua bảo hiểm phải chịu trách nhiệm gì?
Nếu bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
Nguồn : Thư Viện Pháp Luật