Các chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng cần lưu ý

 

Các chỉ số tài chính là cơ sở dữ liệu trực quan phản ánh tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có 6 nhóm chỉ số tài chính doanh nghiệp cơ bản mà các nhà quản trị, nhà đầu tư cần lưu ý. Cùng Kho phần mềm Kế Toán tìm hiểu chi tiết về công thức tính và ý nghĩa của từng chỉ số trong phần dưới đây.

1. Tổng quan về các chỉ số tài chính doanh nghiệp

1.1. Chỉ số tài chính doanh nghiệp là gì?

Các chỉ số tài chính là thước đo số học được tạo ra từ thông tin tài chính của doanh nghiệp, nhằm cung cấp các đánh giá quan trọng về hiệu suất kinh doanh, độ an toàn tài chính, và khả năng sinh lời…

Có 6 nhóm chỉ số tài chính cơ bản cần được lưu ý như sau:

  • Các chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và tài sản
  • Các chỉ số phản ánh khả năng thanh toán
  • Các chỉ số hiệu suất hoạt động
  • Các chỉ số hiệu quả hoạt động
  • Các chỉ số phân phối lợi nhuận
  • Các chỉ số giá thị trường

A diagram of a circular chart

Description automatically generated

1.2. Ứng dụng của các chỉ số tài chính doanh nghiệp

Các chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, 6 nhóm chỉ số của báo cáo tài chính là công cụ không thể thiếu trong tay các nhà quản trị, nhà đầu tư và các bên liên quan để đánh giá, so sánh… từ đó đưa ra các quyết định tài chính và chiến lược.

A screenshot of a web page

Description automatically generated

Các chỉ số tài chính doanh nghiệp có thể được nhà quản trị, nhà đầu tư hoặc các bên liên quan ứng dụng trong việc:

  • Lên kế hoạch tài chính
  • Quản lý dòng tiền
  • Đánh giá tiềm năng doanh nghiệp
  • Quản trị rủi ro
  • Tối ưu hóa cơ cấu vốn
  • Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh

2. 6 nhóm chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng và ý nghĩa của chúng

2.1. Các chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản

A diagram of a number one and two

Description automatically generated

  • Theo chiều dọc, các chỉ số này thể hiện cơ cấu các hạng mục của Bảng Cân đối kế toán.
  • Theo chiều ngang các hệ số này thể sự biến động của các chỉ số qua các quý/năm (kỳ báo cáo).

Ví dụ các chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và tài sản trên bảng cân đối kế toán

Ví dụ các chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và tài sản trên bảng cân đối kế toán

2.1.1. Các chỉ số tài chính phản ánh cơ cấu nguồn vốn

  • Hệ số nợ

Ý nghĩa: Hệ số nợ giúp nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ… đánh giá mức độ phụ thuộc vào nợ hay mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp. Hệ số cao có thể là nguy cơ tài chính đối với doanh nghiệp.

  • Đối với nhà quản trị: hệ số nợ cho thấy mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp hay rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải từ đó đưa ra các quyết định, điều chỉnh về chính sách tài chính phù hợp.
  • Đối với chủ nợ (ngân hàng, nhà cung cấp…): thông qua hệ số nợ, chủ nợ sẽ xem xét mức độ an toàn của những khoản cho vay từ đó đưa ra các quyết định cho vay hay thu hồi nợ.
  • Đối với nhà đầu tư: Đánh giá mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định đầu tư.

Công thức tính:

Hệ số nợ = Tổng nợ/ Tổng nguồn vốn
  • Hệ số vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa: Đo lường phần vốn được cung cấp bởi các chủ sở hữu, phản ánh mức độ “sức khỏe” tài chính và độ độc lập của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Hệ số vốn chủ sở hữu = Tổng vốn chủ sở hữu/Tổng nguồn vốn

2.1.2. Các chỉ số tài chính phản ánh cơ cấu tài sản

  • Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn

Ý nghĩa: Đo lường mức độ doanh nghiệp đầu tư vào tài sản ngắn hạn.

Công thức:

Tỷ lệ đầu tư vào tài sản ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Tổng tài sản
  • Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn

Ý nghĩa: Cho biết mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn, phản ánh chiến lược tăng trưởng và đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Công thức:

Tỷ lệ đầu tư vào tài sản dài hạn = Tài sản dài hạn/Tổng tài sản

2.2. Các chỉ số tài chính phản ánh khả năng thanh toán

A blue and white diagram with text

Description automatically generated

2.2.1. Chỉ số thể hiện khả năng thanh toán hiện thời

Ý nghĩa: Hệ số này phản ánh khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, thể hiện mức độ đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Khả năng thanh toán hiện thời = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành thường được so sánh với hệ số trung bình ngành.

2.2.2. Chỉ số thể hiện khả năng thanh toán nhanh (Quick Ratio)

Ý nghĩa: Hệ số khả năng thanh toán nhanh cho biết khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần phải thanh lý hàng tồn kho. Hiểu đơn giản, chỉ số này cho biết khả năng công ty có thể sử dụng ngay các tài sản có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tiền mặt để thanh toán các khoản nợ hiện tại. Đây là một trong các chỉ số tài chính vô cùng quan trọng để đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Khả năng thanh toán nhanh = (Tổng tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn

2.2.3. Chỉ số phản ánh khả năng thanh toán tức thời

Ý nghĩa: Hệ số này để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong những giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế hoặc của doanh nghiệp khi hàng tồn kho không tiêu thụ được, các khoản nợ phải thu khó thu hồi.

Công thức tính:

Khả năng thanh toán tức thời = Tiền và tương đương tiền/Tổng nợ ngắn hạn

2.2.4. Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay

Ý nghĩa: Chỉ số này cho biết khả năng thanh toán các khoản lãi vay của doanh nghiệp. Các chủ nợ thường sử dụng chỉ số này (số thực tế đã phát sinh và ước tính) để xem xét tính rủi ro và khoản cho vay với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vay nhiều nhưng kết quả kinh doanh không hiệu quả, khả năng thu hồi vốn thấp, dẫn đến việc khó có thể thanh toán các khoản vay trước đó.

Công thức tính:

Khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay phải trả

2.3. Các chỉ số hiệu suất hoạt động

Nhóm các chỉ số tài chính này được sử dụng để đánh giá năng lực quản lý, sử dụng tài nguyên, tài sản hiện có trong doanh nghiệp.

A diagram with text and numbers

Description automatically generated with medium confidence

Các chỉ số hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp

2.3.1. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Ý nghĩa: Chỉ số “Vòng quay hàng tồn kho” là chỉ số tài chính đo lường tốc độ mà doanh nghiệp có thể bán và thay thế hàng tồn kho trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm tài chính.

Công thức tính:

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân

Số vòng quay hàng tồn kho phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm của ngành kinh doanh, chính sách tồn kho của doanh nghiệp. Chỉ số này giúp các nhà quản lý cân nhắc về việc đặt hàng và cấu trúc tồn kho.

2.3.2. Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho

Ý nghĩa: Chỉ số “Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho” thể hiện thời gian trung bình mà doanh nghiệp mất để bán hết lượng hàng tồn kho hiện có. Trong các chỉ số tài chính doanh nghiệp, “Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho” thường được nhà quản trị sử dụng đặc biệt trong các ngành công nghiệp bán lẻ, sản xuất, phân phối. Chỉ số này giúp nhà quản trị hiểu được việc có nên điều chỉnh các chiến lược vận hành, chẳng hạn như chiến lược mua sắm hoặc giảm giá…

  • Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho càng thấp cho thấy doanh nghiệp có khả năng bán hàng và tái cơ cấu tồn kho nhanh chóng. Điều này cũng có ý nghĩa về mặt thanh khoản thể hiện doanh nghiệp có thể nhanh chóng chuyển đổi tồn kho thành tiền mặt.
  • Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho cao có thể là dấu hiệu cảnh báo về rủi ro tồn kho, như việc hao mòn, giảm giá trị hoặc “cận date” (gần hết hạn sử dụng)…

Công thức tính:

Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho = 365/Vòng quay hàng tồn kho

2.3.3. Vòng quay các khoản phải thu

Ý nghĩa: Chỉ số “Vòng quay các khoản phải thu” là chỉ số tài chính đánh giá tốc độ mà doanh nghiệp thu được tiền từ khách hàng (tốc độ thu hồi công nợ của doanh nghiệp).

Công thức tính:

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu bán hàng (có thuế)/Các khoản phải thu bình quân

2.3.4. Kỳ thu tiền bình quân

Ý nghĩa: Kỳ thu tiền bình quân đo lường thời gian trung bình mà doanh nghiệp cần để thu hồi các khoản phải thu từ khách hàng, tức là kể từ lúc xuất giao hàng đến khi thu được tiền bán hàng thì mất bao lâu? Kỳ thu tiền bình quân của doanh nghiệp phụ thuộc vào chính sách bán chịu, việc tổ chức thanh toán của doanh nghiệp…

Công thức tính:

Kỳ thu tiền bình quân = 365/Vòng quay các khoản phải thu

2.4. Các chỉ số tài chính về hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động không chỉ giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên, mà còn có thể được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu. Các chỉ số quan trọng bao gồm:

2.4.1. Chỉ số biên lợi nhuận (Profit Margin)

Ý nghĩa: Biên lợi nhuận là chỉ số cho biết mức độ lợi nhuận tăng thêm trên mỗi đơn vị hàng hóa được bán ra hoặc dịch vụ được cung cấp. Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này càng cao chứng tỏ hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng tốt.

Công thức tính:

Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng/ doanh thu thuần x 100%

2.4.2. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS)

Ý nghĩa: ROS là 1 trong các chỉ số tài chính phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến công tác quản trị doanh thu, chi phí. Doanh nghiệp có ROS càng lớn, càng chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao.

Công thức tính:

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần

2.4.3. ROA – Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản

Ý nghĩa: Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (ROA) là một chỉ tiêu tài chính tổng hợp phản ánh khả năng sinh lời của một doanh nghiệp trong mối quan hệ với tổng tài sản của nó.

Công thức tính:

ROA = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế/ Tổng tài sản

Hoặc
ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản

2.4.4. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE

Ý nghĩa: Chỉ số ROE (Return On Equity) hay lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) = Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân

2.5. Nhóm chỉ số phân phối lợi nhuận 

Các chỉ số tài chính về phân phối lợi nhuận có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá khả năng của doanh nghiệp phân phối lợi nhuận đến cổ đông. Dưới đây là các chỉ số trong nhóm này

2.5.1. Tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần thường (ROCE)

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp từ vốn cổ phần mà các cổ đông thường đầu tư. ROCE phản ánh mức lợi nhuận ròng mà doanh nghiệp tạo ra từ mỗi đồng vốn của cổ đông. Doanh nghiệp nào có chỉ số ROCE cao hơn được đánh giá là có khả năng quản lý vốn hiệu quả hơn, tạo ra lợi nhuận lớn hơn từ vốn của cổ đông thường

Công thức tính:

Tỷ suất sinh lời vốn cổ phần thường (ROCE) = (Thu nhập ròng – Cổ tức ưu đãi)/ Vốn cổ phần thường bình quân

2.5.2. Chỉ số EPS – Thu nhập một cổ phần thường

Ý nghĩa: EPS là một trong các chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng và được nhà đầu tư quan tâm. Chỉ số này cung cấp cái nhìn chi tiết về lợi ích kinh tế mà cổ đông đạt được trên mỗi cổ phần thường.

Công thức tính:

Thu nhập một cổ phần thường EPS = (LNST – Cổ tức ưu đãi)/Số cổ phần thường đang lưu hành

2.5.3. Chỉ số tài chính DPS – Cổ tức một cổ phần thường

Ý nghĩa: Chỉ số DPS thể hiện khoản cổ tức mà doanh nghiệp chi trả cho mỗi cổ phần đang lưu hành. Chỉ số này giúp cho việc đánh giá khả năng chi trả cổ tức của một doanh nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư có thể hiểu rõ mức lợi nhuận mà họ được nhận từ việc sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Công thức tính:

Cổ tức một cổ phần thường (DPS) = LNST dành trả cho cổ đông thường/Số cổ phần thường đang lưu hành

2.5.4. Hệ số chi trả cổ tức ( Dividend Payout Ratio)

Ý nghĩa: Tỉ lệ này phản ánh phần lợi nhuận được dành để trả cổ tức cho cổ đông, giúp đánh giá chính sách cổ tức của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Hệ số chi trả cổ tức = Cổ tức một cổ phần thường/Thu nhập một cổ phần thường (EPS)

2.6. Nhóm chỉ số giá trị thị trường

Các chỉ số tài chính này thường được sử dụng bởi các nhà quản trị, nhà đầu tư để định hình chiến lược và quyết định đầu tư.

2.6.1. Chỉ số tỷ suất cổ tức

Ý nghĩa: Cho biết mức độ lợi nhuận mà một nhà đầu tư nhận được từ cổ tức so với giá thị trường hiện tại của cố phiếu đó. Chỉ số này thường được dùng để đánh giá khả năng sinh lời từ cổ tức của một khoản đầu tư vào cổ phiếu.

Công thức tính:

Tỷ suất cổ tức = Cổ tức một cổ phần thường/Giá trị thị trường một cổ phần thường

2.6.2. Chỉ số P/E – Giá trị thu nhập

Ý nghĩa: Chỉ số này dùng để đánh giá giá trị của một doanh nghiệp so với thu nhập trên mỗi cổ phiếu mà nó tạo ra. Chỉ số P/E cho biết số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra.

Công thức tính:

Hệ số giá trị thu nhập (P/E) = Giá trị thị trường 1 cổ phần thường/Thu nhập một cổ phần thường

2.6.3. Hệ số P/B 

Ý nghĩa: Hệ số P/B là một trong các chỉ số tài chính doanh nghiệp được sử dụng để so sánh giá trị vốn hóa thị trường của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của nó. Hệ số P/B giúp các nhà đầu tư trả lời câu hỏi: Cổ phiếu này đang được định giá cao hơn hay thấp hơn so với giá trị sổ sách của nó.

Công thức tính:

Hệ số giá trị thị trường trên giá trị sổ sách = Giá trị thị trường 1 cổ phần thường/Giá trị sổ sách 1 cổ phần thường

3. Mối liên hệ giữa các nhóm chỉ số tài chính và hiệu quả tài chính

Các chỉ số tài chính doanh nghiệp được chia thành các 6 nhóm. Mỗi liên hệ giữa chúng và hiệu quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp như sau:

Các chỉ số Ý nghĩa
1. Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản Cung cấp thông tin quan trọng về cấu trúc tài chính, kiểm tra tính cân đối trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.

Kiểm tra tính cân đối trong việc đầu tư tài sản doanh nghiệp…

2. Nhóm chỉ số phản ánh khả năng thanh toán Kiểm tra khả năng của doanh nghiệp trong việc đối mặt và thanh toán các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính trong các khoảng thời gian khác nhau.

Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn.

3. Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động Tập trung vào việc đánh giá hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên và quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Giúp nhà quản trị đánh giá hiệu suất hoạt động, từ đó đưa ra các quyết định cải tiến và tối ưu hóa hoạt động.

4. Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động Đo lường khả năng sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu.
5. Nhóm chỉ số phân phối lợi nhuận Đánh giá mức độ phân phối lợi nhuận so với thu nhập mà công ty tạo ra cho cổ đông (mức độ hưởng lợi của nhà đầu tư).
6. Nhóm chỉ số giá thị trường Phản ánh giá trị thị trường của cổ phiếu.

Các chỉ số tài chính là cơ sở để quản lý và đưa ra quyết định của doanh nghiệp. Tùy đặc điểm, đặc thù, quy mô… của từng doanh nghiệp, thông qua việc tính toán, đánh giá, so sánh các chỉ số theo các kỳ báo cáo, so sánh các chỉ số với các doanh nghiệp cùng ngành, với chỉ số trung bình ngành, các nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ… có thể có cái nhìn toàn diện về tình hình kinh doanh, tiềm năng và rủi ro của doanh nghiệp.

Kho phần mềm kế toán Minh Tâm hiện đang cung ứng các phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số, Phần mềm quản trị doanh nghiệp, vv từ 12 nhà cung cấp uy tín hàng đầu hiện nay tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của Doanh nghiệp trong công tác quản lý kế toán – tài chính.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ:

Hotline: 089 883 5656 – 0909 206 247

Website: mitasp.com