Tiền chậm nộp tiền thuế là khoản tiền mà doanh nghiệp phải nộp khi phát sinh tình huống chậm nộp tiền thuế. Sau đây những thông tin bổ ích nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn cách tính về khoản tiền này.
1. Các trường hợp phải nộp Tiền chậm nộp tiền thuế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật quản lý thuế 2019, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế trong những trường hợp sau đây:
– Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;
– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;
– Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ theo quy định;
– Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu theo quy định;
– Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi theo quy định;
– Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.
2. Không tính tiền chậm nộp thuế trong các trường hợp sau đây
– Không tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau đây:
– Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.
– Số tiền nợ thuế không tính chậm nộp là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của người nộp thuế nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán;
– Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 của Luật này thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.
– Chưa tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ
– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế phải nộp giảm thì được điều chỉnh số tiền chậm nộp đã tính tương ứng với số tiền chênh lệch giảm.
– Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng theo quy định.
3. Mức phạt nộp chậm tiền thuế
Theo quy định tại Điều 59 Luật quản lý thuế 2019:
Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Thời gian tính tiền chậm nộp: tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
4. Cách tính mức phạt nộp chậm tiền thuế
Số tiền phạt nộp chậm tiền thuế = Số tiền thuế chậm nộp x 0.03% x Số ngày nộp chậm
Trong đó:
– Số tiền thuế chậm nộp:
Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Luật quản lý thuế 2019 và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì thực hiện theo quy định.
– Số ngày chậm nộp được xác định như sau:
Thời gian tính tiền chậm nộp: tính liên tục (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định pháp luật) kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Ví dụ:
Công ty X khai thuế GTGT tháng 4/2021, số thế phải nộp là 50.000.000 đồng
Thời hạn nộp GTGT tháng 4 là ngày 20/5/2021. Nhưng đến ngày 25/5/2021 Công ty mới nộp tiền thuế trên vào ngân sách nhà nước.
* Số ngày Công ty chậm nộp tiền thuế là 5 ngày, kể từ ngày 21/5/2021 đến ngày 24/5/2021
* Số tiền phạt nộp chậm tiền thuế là: 50.000.000 đồng x 0.03% x 5 ngày = 75.000 đồng
5. Mức phạt chậm nộp tiền thuế thời điểm trước ngày 01/7/2016
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC:
– Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
– Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/7/2016 nhưng sau ngày 01/7/2016 vẫn chưa nộp thì tính như sau: trước ngày 01/01/2015 tính phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Luật quản lý thuế 2006, Luật quản lý thuế sửa đổi 2012, từ ngày 01/01/2015 tính tiền chậm nộp theo quy định Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014, từ ngày 01/7/2016 tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày.
Cơ sở pháp lý:
Luật quản lý thuế 2019
Thông tư 130/2016/TT-BTC
Nguồn: Thư viện pháp luật