Ngoài việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN, người lao động còn phải xác định các khoản giảm trừ gia cảnh của bản thân để bảo vệ lợi ích của cá nhân. Vậy, theo quy định pháp luật các khoản thu nhập nào sẽ được giảm trừ và các khoản thu nhập nào sẽ không được giảm trừ gia cảnh
1. Chỉ giảm trừ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và khoản 4 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014 thì:
“Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.”
Theo quy định trên thì đồng nghĩa với việc những thu nhập dưới đây sẽ không được giảm trừ gia cảnh:
a/ Thu nhập từ kinh doanh
Các khoản thu nhập từ kinh doanh bao gồm:
– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
b/ Thu nhập từ đầu tư vốn
Các khoản thu nhập từ đầu tư vốn bao gồm:
– Tiền lãi cho vay.
– Lợi tức cổ phần.
– Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
c/ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm:
– Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế.
– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
d/ Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở.
– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước.
– Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
e/ Thu nhập từ trúng thưởng
Các khoản thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
– Trúng thưởng xổ số.
– Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại.
– Trúng thưởng trong các hình thức cá cược.
– Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
f/ Thu nhập từ bản quyền
Các khoản thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
– Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
– Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
g/ Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
Thu nhập từ nhượng quyền thương mại là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ các hợp đồng nhượng quyền thương mại, bao gồm cả trường hợp nhượng lại quyền thương mại.
h/ Thu nhập từ nhận thừa kế
Các khoản thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng,… sẽ không được giảm trừ khi tính thuế TNCN.
i/ Thu nhập từ nhận quà tặng
Các khoản thu nhập là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng,… sẽ không được giảm trừ khi tính thuế TNCN.
2. Mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới nhất
Mức giảm trừ gia cảnh sẽ bao gồm giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế và giảm trừ đối với người phụ thuộc
Theo quy định tại điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 sẽ chính thức được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, cụ thể:
Đối với người nộp thuế: Mức giảm trừ gia cảnh sẽ được thay thế từ mức 9 triệu đồng/ tháng (108 triệu đồng/năm) lên mức 11 triệu đồng/tháng (132 triệu/năm)
Đối với người phụ thuộc: Mức giảm trừ sẽ được thay thế từ 3,6 triệu đồng/tháng/người lên mức 4,4 triệu đồng/tháng/người.
Lưu ý: Mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tuy nhiên sẽ được áp dụng cho cả kỳ tính thuế năm 2020.
Căn cứ pháp lý:
Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014
Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14
Nguồn: Thư viện pháp luật