Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) là nhu cầu tất yếu, khách quan trong cải cách lĩnh vực thuế, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công bằng, minh bạch, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để phát hành và sử dụng HĐĐT trái pháp luật hòng gian lận thuế, chiếm đoạt NSNN. Để ngăn chặn tình trạng này, các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận HĐĐT qua cơ chế quản lý rủi ro (QLRR) đã được đặt ra, tuy nhiên mức độ đến đâu thì vẫn cần phải bàn thảo thêm.
Giới thiệu
Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 quy định từ ngày 1/7/2022 các DN phải sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ để góp phần khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, giảm chi phí cho người nộp thuế (NNT), nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn, phục vụ xây dựng QLT điện tử. Luật quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hoá đơn; áp dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về HĐĐT, chứng từ điện tử. Trên cơ sở này, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống HĐĐT phục vụ các đối tượng nộp thuế trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022. Theo đó, các DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Việc này vừa giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn; vừa thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế, hoàn thuế… góp phần nâng cao hiệu quả công tác QLT.
Cơ sở lý thuyết về HĐĐT
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 41/2022/NĐ-CP có nêu một số nội dung liên quan đến HĐĐT: (1) Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức HĐĐT hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in; (2). HĐĐT là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; (3) Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT, chứng từ điện tử phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế, QLT và quy định tại Nghị định này; (4) HĐĐT, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ HĐĐT, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. HĐĐT, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu; (5) Định dạng HĐĐT gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số; và (6) Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có quyền: tạo HĐĐT không có mã của cơ quan thuế để sử dụng hoặc sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 91 Luật QLT.
Áp dụng QLRR trong QLT là việc ứng dụng các quy trình nghiệp vụ, các nguyên tắc, biện pháp, kỹ thuật về QLRR và kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro NNT để quyết định thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong QLT; ứng dụng QLRR là ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện việc kết nối, tiếp nhận thông tin từ các nguồn dữ liệu liên quan trong và ngoài cơ quan thuế, điện tử hóa các biện pháp, kỹ thuật QLRR dựa trên bộ tiêu chí, chỉ số được ban hành để phân tích, đánh giá tuân thủ, xác định mức độ rủi ro phục vụ cho việc quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế (Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng QLRR trong QLT).
Mục đích của việc áp dụng QLRR đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế là: (1) Hướng dẫn cơ quan thuế thực hiện thu thập, phân tích thông tin, phân loại mức độ rủi ro NNT trong quản lý và sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật; (2) Chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất, khách quan trong công tác đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn; (3) Góp phần hiện đại hóa công tác đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn, nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm gian lận tiền thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác QLT.
Theo Quyết định số 575/QĐ-TCT, thì quy trình áp dụng QLRR đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn gồm 4 bước: (1) thu thập, xử lý thông tin; (2) xây dựng, sử dụng Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn; (3) đánh giá, phân loại NNT; và (4) báo cáo kết quả thực hiện công tác áp dụng QLRR trong việc đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Thực trạng triển khai HĐĐT và những khó khăn vướng mắc phát sinh
Mặc dù đã được xử dụng trong thời gian khá dài, song với xu hướng toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay, hóa đơn giấy với những tồn tại, bất cập vốn có đã trở nên lạc hậu bởi sự hạn chế về khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu với các ứng dụng công nghệ thông tin, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do đó, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT là nhu cầu tất yếu, khách quan của trong cải cách lĩnh vực thuế, giúp các DN cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển theo hướng chuyển đổi số. HĐĐT ra đời được đánh giá đã mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân và toàn xã hội, nhưng với các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, số lượng NNT ngày càng nhiều, thì vấn đề lợi dụng sự thông thoáng trong quy định thành lập DN để mua-bán hóa đơn bất hợp pháp, làm giả hồ sơ, chứng từ để kê khai, quyết toán thuế, thậm chí không kê khai, nộp thuế,… diễn biến ngày càng tinh vi và khó lường. Các đối tượng thực hiện xuất khống hóa đơn, có trường hợp là hóa đơn giả để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, tăng chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu.
Cũng do hiện nay chưa có quy định của pháp luật và giải pháp công nghệ để xác định tính xác thực đúng thực tế về danh tính người đại diện pháp luật, nên nhiều đối tượng đã sử dụng thẻ tín dụng, căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của những người dân thiếu hiểu biết, bị mất hoặc vì vụ lợi để thành lập DN hoạt động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số đã phát sinh một số đối tượng tội phạm công nghệ cao làm giả, mua-bán hóa đơn bất hợp pháp, thậm chí công khai bán HĐĐT trên Facebook, Zalo… Các đối tượng này đã thực hiện hành vi gian lận với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hợp thức hóa chi phí nhằm phải giảm số thuế nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ NSNN.
Tiếp tục hoàn thiện các giải pháp quản lý HĐĐT
Để nhận diện và quản lý hiệu quả việc sử dụng HĐĐT trong nền kinh tế, nhất là kiểm soát kịp thời các hành vi gian lận về hóa đơn tất yếu phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
Một là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT. Theo hướng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của DN nói riêng, NNT nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế. Đồng thời, cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng HĐĐT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định; đảm bảo an toàn an ninh mạng đối với hệ thống HĐĐT; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi bất thường trên hệ thống HĐĐT; phân công, bố trí cán bộ thực hiện công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo, kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo, gian lận về HĐĐT.
Hai là, mặc dù việc phân tích, đánh giá, phân loại NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn được thực hiện tự động trên ứng dụng QLRR của từng cơ quan thuế quản lý trực tiếp NNT, song cơ quan thuế cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh công tác chống gian lận trong việc sử dụng HĐĐT như: thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ soát các DN có rủi ro, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp trên Facebook, Zalo… Trên cơ sở đó, sẽ thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán, kịp thời xử lý hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định. Cơ quan thuế tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ công chức thuế để nâng cao năng lực, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới về hóa đơn của các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế tới các tổ chức, cá nhân để không mua-bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật (Tuệ Anh, 2023). Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận HĐĐT cần thực hiện đồng bộ cùng các giải pháp QLT đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ba là, tăng cường các giải pháp phối hợp, trong đó cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong công tác QLT (theo Công văn số 2535/TCT-TTKT). Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an, các bộ, ngành đơn vị liên quan nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong phát hành, quản lý, sử dụng HĐĐT. Để làm tốt việc này, cơ quan thuế đang đề nghị Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an (A05) có biện pháp kiểm tra, xem xét đối với các trường hợp công khai rao bán hóa đơn trên nền tảng không gian mạng, để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi bán HĐĐT không hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin sai trái trên không gian mạng theo quy định pháp luật (Minh Phương, 2023). Rà soát tổng thể, đánh giá và đề xuất việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đối với HĐĐT; khẩn trương hoàn thành thủ tục lấy ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin HĐĐT.
Bốn là, tối ưu hoá công nghệ để phát hiện gian lận mua-bán hóa đơn. Mặc dù Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn (big data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực hiện phân tích dữ liệu HĐĐT để QLRR, phát hiện những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua-bán hóa đơn. Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị sửa đổi nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật DN phải có quy định theo hướng người đại diện pháp luật phải được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, nhưng để phục vụ cho công tác QLRR về HĐĐT trong toàn ngành Thuế, giúp cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích big data và AI để QLT, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn rất cần tối ưu hoá công nghệ để phát hiện gian lận mua-bán hóa đơn. Từ đó, có công cụ, nguồn dữ liệu để tập trung thực hiện rà soát, phân tích, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng HĐĐT. Ngăn ngừa, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn cũng như các hành vi gian lận, trốn thuế, hoàn thuế GTGT sai quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN.
Năm là, ngoài những giải pháp trên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT thực hiện nghĩa vụ của mình đối với NSNN và tạo sự minh bạch, bình đẳng đối với môi trường kinh doanh, thì việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT” sẽ giúp cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLT cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng DN và NNT.
Tài liệu tham khảo
Minh Phương (2023). Quyết liệt các giải pháp chống gian lận hóa đơn điện tử. https://dangcongsan.vn/kinh-te/quyet-liet-cac-giai-phap-chong-gian-lan-hoa-don-dien-tu-639197.html;
Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 508/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Thùy Linh (2023). Tối ưu hoá công nghệ để phát hiện gian lận mua bán hóa đơn. https://tapchitaichinh.vn/toi-uu-hoa-cong-nghe-de-phat-hien-gian-lan-mua-ban-hoa-don.html;
Tuệ Anh (2023). Tăng cường chống gian lận trong phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM272868;
Website: http://chinhphu.vn; https://moet.govn/; https://www.mof. gov. vn; https://thuvienphapluat.vn/; http://www.gdt.gov.vn./.
TS Nguyễn Văn Cương-Trường Đại học Văn Hiến
Nguồn: thuenhanuoc.vn