Trong tháng 10/2022, nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương, bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là các nội dung sau đây:
1. Điểm mới về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 (đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 mục II Nghị quyết 116/NQ-CP) được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2022, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh quay trở lại là 1%.
2. Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2022.
Theo đó, các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
– Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục cho người học nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm; cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài.
– Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
– Thứ ba, xây dựng các chương trình phối hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân vào công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.
– Thứ tư, xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ người học hình thành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân.
– Thứ năm, hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite.
– Thứ sáu, các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
3. 07 tổn thất phát sinh không được bảo hiểm bồi thường trong đầu tư xây dựng
Từ ngày 01/10/2022, Thông tư 50/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2015/NĐ-CP và Nghị định 20/2022/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:
– Thứ nhất, tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch, nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan đến các tổ chức chính trị, tịch biên, sung công, trưng dụng, …theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
(So với quy định hiện hành, bổ sung thêm các tổn thất do nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan đến các tổ chức chính trị,…)
– Thứ hai, tổn thất phát sinh do hành động khủng bố.
– Thứ ba, tổn thất phát sinh do phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ.
– Thứ tư, tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm.
(Lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).
– Thứ năm, tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
– Thứ sáu, tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng (dù là ngừng một phần hoặc toàn bộ công việc thi công).
– Thứ bảy, tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
Nguồn Thư viện pháp luật